Những kiến thức cơ bản về kinh doanh

Nếu bạn định kinh doanh mà chưa biết làm thế nào thì phần nội dung này Lương viết cho bạn. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi “ kinh doanh thế nào, bắt đầu từ đâu…” được rất nhiều bạn độc giả gửi email cho Lương.

Thời gian qua Lương nhận được khá nhiều email của bạn đọc hỏi về vấn đề nên kinh doanh như thế nào , mặc dù các bạn độc giả đã có sản phẩm và thị trường để kinh doanh nhưng muốn hỏi để chắc chắn hoặc chưa tự tin để bắt đầu.

Vì thời gian của Lương khá bận, cho nên không phải lúc nào Lương cũng check email và trả lời từng bạn đọc. Vì vậy khi có nhiều câu hỏi tương tự nhau, Lương sẽ tổng hợp để trả lời trong 1 bài viết trên Blog này của Lương.

Trong phần nội dung này Lương sẽ hướng dẫn mọi người trên dưới 10 vấn đề quan trọng khi kinh doanh.

1, Lựa chọn người hợp tác kinh doanh

Người cung cấp hàng hóa, người bỏ vốn đầu tư cho bạn, nhà phân phối bán lẻ hoặc công ty bao bì… đều là những người sẽ hợp tác kinh doanh với họ.  Tiêu chí để chọn đối tác là có tiềm năng lâu dài, nếu họ có thể kinh doanh lâu dài mà không tiềm năng thì sản phẩm/dịch vụ của chúng ta sẽ không có thêm nhiều giá trị.

Còn khi đối tác có tiềm năng kinh doanh nhưng tầm nghĩ của đối tác quá ngắn báo hiệu cho bạn biết rằng một ngày nào đó họ sẽ từ bỏ chúng ta.

Về vấn đề người hợp tác cùng quản lý kinh doanh, bạn xem cho Lương trong bài viết:

>> 7 Nguyên tắc hùn vốn làm ăn để được lâu dài

2, Thúc đẩy càng nhanh tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường

Sản phẩm cuối cùng đưa ra thị trường là kết quả của một quá trình điều tra thị trường lâu dài, bạn cần phải thúc đẩy tiến độ hoàn thành sản phẩm và đưa ra bán để người mua cảm nhận/đánh giá về mặt hàng.

Càng chậm trễ thời gian hoàn thành sản phẩm, bạn càng không biết mình phải sửa chữa chi tiết nào của hàng hóa, hơn nữa lợi nhuận kinh doanh cũng không thể có. Vì vậy từ khi bắt đầu kết thúc nghiên cứu, bạn cần triển khai công tác hậu cần nhanh chóng để cho ra thành phẩm.

3, “Sửa” ý tưởng kinh doanh

Sửa ý tưởng hay sửa bản kế hoạch kinh doanh là một việc làm khó khăn và quá liều lĩnh, không phải lúc nào bạn cũng sửa những vấn đề quan trọng nhất này. Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh dù hiệu quả hay không tốt cũng phải đánh giá và chỉnh sửa ý tưởng để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Rất nhiều bạn kinh doanh quần áo, dịch vụ ăn uống hoặc liên quan đến mở cửa hàng cho rằng: Mở cửa hàng xong, thuê vài người nhân viên làm việc là mọi thứ xem như đã hoàn thành, đó là tư duy sai lầm. Bạn cần liên tục thu thập thông tin người mua để sau 6 tháng-1 năm sẽ có những thay đổi trong chính sách bán hàng.

4, Dùng tập khách hàng nhỏ Pr thành tập khách hàng lớn

Đây gọi là một chiêu thức kinh doanh được rất nhiều người áp dụng. Trong thời gian ban đầu kinh doanh bạn chỉ có 1 nhóm (10-20) khách hàng mà thôi, khi này nhiệm vụ cấp thiết là phải tăng số lượng người mua.

Trong quá trình Pr, chúng ta tận dụng lòng tin mua hàng của 10-20 người để tìm kiếm được 10 khách hàng nữa, cứ như vậy cho đến khi tập khách hàng của bạn tăng đến 100 người, 200 người, 300 người, …

5, Cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn

Trong xã hội hiện đại, người mua không chỉ chú trọng đến sản phẩm/dịch vụ mà họ phải trả tiền, khách hàng còn quan tâm đến những chất lượng phục vụ của công ty bạn.

Nếu giả sử sản phẩm của bạn giống với đối thủ thì chúng ta sẽ cạnh tranh với họ bằng gì ? Bằng chất lượng phục vụ như giao hàng, bảo hành, lắp đặt miễn phí, khuyến mại, tri ân khách hàng… Đặc biệt đối với những công ty dịch vụ thì chất lượng dịch vụ là điều quan trọng nhất tạo nên thương hiệu.

6, Nâng cao thành tích

Muốn nhân viên làm việc hiệu quả, bạn cần đưa ra chỉ tiêu doanh số, hiệu quả công việc cho nhân viên và phải liên tục nâng cao chỉ tiêu để tăng danh thu đồng thời mở rộng thị trường kinh doanh.

7, Tiết kiệm tiền

Bất luận bạn có bao nhiêu tiền vốn từ nhà đầu tư hay của chính mình thì tư duy tiết kiệm tiền, không phung phí phải đặt lên hàng đầu. Với những khoản chi tiền nhiều thì không được phép tiếc rẻ.

8, Kinh doanh vì lợi ích lâu dài

Đối thủ, khách hàng, đối tác, nhân viên đều nói với bạn rằng giá sản phẩm quá thấp và vì thế bạn cần tăng giá bán để nhận được nhiều tiền lãi.

Nhưng người kinh doanh vì lợi ích chứ không phải tiền lãi, nếu bạn tăng cao giá bán thì khách hàng có thể chỉ chấp nhận sản phẩm của chúng ta trong 4 tháng, nhưng khi bạn giảm giá thì thời gian đó bằng 2 năm, bạn nghĩ rằng tiền lãi trong 1 thời gian ngắn 4 tháng có đủ bù đắp lợi ích sẽ nhận được trong 2 năm không ?

9, “Lòng ta vững như kiềng ba chân”

Kiên định là bản chất mà bất kỳ người kinh doanh nào cũng phải có, cho dù 2 tháng đầu buôn bán không có lãi và bạn bị người thân, bạn bè , đối tác trì trích. Lúc này bạn cần vững chắc và kiên định với quyết định, không được phép lơ là hay xê dịch quyết định, bởi vì trước đó chúng ta đã bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc để nghiên cứu thị trường rồi lập kế hoạch kinh doanh chi tiết, không có lý gì chúng ta bị lay đổng bởi những lời nói hồn nhiên của kẻ khác.

10, Không được từ bỏ

Từ bỏ, coi như bạn “tèo” luôn, không có lý do nào để biện minh cho việc từ bỏ là đúng đắn cả.

Trả lời